1. Thời vụ gieo trồng
Có thể trồng quanh năm, tuy nhiên, cây sinh trưởng tốt ở 2 thời vụ chính là:
- Vụ đông xuân: gieo từ tháng 10-11, thu hoạch từ tháng 2-3
- Vụ hè xuân: gieo từ tháng 4-5, thu hoạch từ tháng 8-9
2. Chọn hạt giống
Bà con nên chọn mua hạt giống tại các cơ sở uy tín, có nguồn gốc rõ ràng từ nhà sản xuất.
Lượng giống: 2,5 - 3 kg/ha
3. Làm đất, trồng cây
3.1. Kỹ thuật làm đất
- Đất phù hợp là loại đất thịt nhẹ, đất pha cát, tơi xốp, giàu mùn và dinh dưỡng, độ PH từ 5,5 đến 6,5.
- Trước khi gieo tiến hành cày xới cho đất tơi xốp, dọn sạch cỏ rác, dùng vôi rải lên mặt luống, phơi ải khoảng 1 tuần để diệt các mầm bệnh trong đất. Trước khi gieo hạt giống khoảng 10 ngày,
bà còn tiến hành bón lót các loại phân chuồng, phân hữu cơ hoặc phân vi sinh để tăng dinh dưỡng cho đất và giúp hạt cải cúc dễ nảy mầm.
- Làm luống cao 20-25 cm, mặt luống từ 1,0 - 1,2 m, mặt luống phẳng, có rãnh thoát nước để tránh ngập úng nếu như mưa nhiều.
3.2. Kỹ thuật gieo hạt
Bước 1: Ngâm hạt cải cúc
Để thúc đẩy hạt nảy mầm nhanh hơn, cũng như thấy được tỉ lệ nảy mầm, bà con có thể ngâm hạt vào nước ấm từ 30-40oC, ngâm từ 3-6 tiếng, sau đó vớt ra, để ráo nước.
Bước 2: Gieo hạt cải cúc
Có thể gieo theo hàng hoặc gieo vãi đều trên mặt luống. Một số nơi bà con trộn hạt giống với tro trấu rồi gieo rải đều trên mặt luống, sau đó lấp một lớp đất mỏng lên trên để giữ ẩm và tránh kiến hoặc côn trùng ăn.
Sau khi gieo hạt thì phun nước cho hạt để giữ ẩm. Trong một tuần đầu gieo hạt nên phủ rơm rạ, hoặc dùng bao tải phủ dọc luống để giữ ẩm, tránh nắng to và giúp hạt nảy mầm nhanh, sau đó bỏ tấm đạy ra để rau có ánh sáng.
4. Tưới nước và chăm sóc
- Giai đoạn sau gieo cần đảm bảo giữ ẩm liên tục cho đất, khi cây ra lá thật, bà con tiến hành tưới nước hai lần trong ngày, vào sáng và chiều mát.
- Sau khi gieo khoảng 2 tuần, nếu cây con mọc dày quá, bà con cần tiến hành tỉa bớt để tránh mật độ cây dày quá làm hạn chế sự phát triển của cây. Bà con có thể tỉa để ăn rau mầm. Tiến hành tỉa cây vào 2 đợt, đợt 1 khi cây được 2-3 lá thật và đợt 2 khi cây được 4-5 lá thật. Khoảng cách sau tỉa khoảng 5-7 cm, mật độ này giúp cây phát triển tốt nhất.
- Làm cỏ, xới xáo đất xung quanh để làm đất tơi xốp giúp ruộng rau thông thoáng, hạn chế sâu bệnh.
5. Bón phân
Sử dụng phân bón hợp lý, cân đối, ưu tiên sử dụng phân hữu cơ đã ủ hoai mục. Bà con có thể dựa vào bảng dưới đây để bón cho phù hợp
Chú ý: Trường hợp không có phân chuồng hoai mục, có thể dùng phân hữu cơ vi sinh để thay thế với lượng dùng theo khuyến cáo, đảm bảo cây sinh trưởng, phát triển tốt; đảm bảo thời gian cách ly với phân đạm ure ít nhất 10 ngày trước khi thu hoạch
6. Phòng trừ sâu bệnh
6.1. Biện pháp canh tác thủ công
- Để hạn chế các nguồn sâu bệnh chuyển tiếp giữa các vụ mùa, bà con nên trồng rau cải cúc luân canh với các loại rau khác như lúa nước hoặc các loại hoa màu khác.
- Thường xuyên thăm vườn để phát hiện kịp thời các loại sâu bệnh hại.
- Nhặt cỏ, bắt sâu non, tỉa bỏ những cây bị thối gốc, thối nhũn để tránh lây lan.
6.2. Biện pháp sử dụng thuốc bảo về thực vật.
Bà con lưu ý các loại sâu bệnh gây hạt theo giai đoạn sinh trưởng của cây để có biện pháp sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hợp lý.
- Giai đoạn sau gieo 5-15 ngày: Sâu khoang và bệnh thối gốc, sâu xanh ăn lá.
- Giai đoạn phát triển thân lá: Sâu khoang, sâu xanh ăn lá.
- Giai đoạn 10-15 ngày trước khi thu hoạch: Chú ý các đối tượng như: Bọ nhảy, sâu xanh, sâu khoang.
Bà con chỉ sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật cho phép và áp dụng đúng thời gian cách ly trước thu hoạch theo như hướng dẫn của từng loại thuốc.
7. Thu hoạch
Rau cải cúc cho thu hoạch sau 30 - 40 ngày gieo trồng. Bà con cũng có thể thu hoạch sớm để ăn rau non, thời điểm thu hoạch sau gieo là 25 - 30 ngày. Khi thu hoạch cần loại bỏ các lá già, lá bị sâu bệnh, chú ý không để dập nát.
Với những hướng dẫn về kĩ thuật trên đây, hi vọng bà con có thể tự trồng cho mình những luống rau cải cúc tươi ngon và có những món ăn hấp dẫn với cải cúc.